biển khổ mênh mông nghiệp đã mang hôn mê chưa tỉnh giấc kê vàng hãy mau trì niệm hồng danh Bụt rời bỏ bờ mê, bến giác sang một nén danh hương, một phen triệu thỉnh…
Đã 50 năm trôi qua kể từ khi cuộc chiến Đông Dương lần thứ ba ngã ngũ, nhưng nỗi đau chiến tranh vẫn còn tiếp tục kéo dài qua ít nhất hai thế hệ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đế quốc Mỹ đã quyết định một lần nữa can thiệp vào chính trường Việt Nam và Đông Dương — với khát vọng bá chủ — một lần nữa chia cắt đất nước, khiến cho hàng triệu người đã phải bỏ mạng dưới sự tàn khốc của bom đạn và vũ khí hoá học, hàng trăm ngàn gia đình bị nát tan, sông núi nước non và hệ sinh thái Việt Nam bị đầu độc, xóm làng, ruộng đồng, đường xá, chùa chiền, nhà thờ, cầu cống, nhà ga, tất cả đã bị tàn phá và cháy rụi tan hoang.
Bây giờ nước Việt Nam không còn bị chia làm hai nữa. Gia đình Việt ở ba quê và trên toàn thế giới có thể đoàn tụ sum họp ở Sài Gòn hay Hà Nội. Từ Bắc vô Nam, không có một đoàn quân nước ngoài nào được óng căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Đây có thể nói là một sự độc lập. Nhưng, sau hơn 130 năm bị đô hộ, bóc lột, chiến tranh, và cấm vận thương mại, đất nước ta vẫn còn nghèo, dân ta vẫn còn khổ sở…
khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm, tôi sẽ đi thăm, đi thăm nhiều nghĩa địa buồn
khi đất nước tôi không còn chiến tranh mẹ già lên núi tìm xương con mình
khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi không ngừng sài gòn ra trung, hà nội vô nam, tôi đi chung cuộc mừng và mong sẽ quên chuyện non nước mình
—trịnh công sơn
nghĩa trang bình an, bình dương
—giới thiệu—
Chúng con là một nhóm những người trẻ Việt Nam từ khắp mọi miền trên thế giới đang tìm về lịch sử và cội nguồn dân tộc. Chúng con có tâm nguyện được kết nối với quí vị, và hiểu những gì đã xảy ra với đồng bào cũng như ông bà tổ tiên từ nhiều phía của chúng con.
Chúng con đã dắt mình đi qua xuyên suốt các sự kiện mấu chốt của cuộc chiến tranh Việt Nam ở Cần Giờ, Côn Đảo, Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi, Bình Dương và Vũng Tàu.Chúng con đã cảm được sự tàn khốc, giằng xé, đau đớn, mâu thuẫn, bất đắc dĩ của từng người đã trải qua từng giờ khắc đó rồi ngã xuống, dù có trực tiếp tham chiến hay không.
Chúng con về đây xin được có mặt cùng với quý vị để ghi nhận, tưởng niệm, và cầu nguyện cho những cái chết oan ức, cũng như những cái chết oanh liệt của quý vị.
hồ tây, hà hội
gặp phải lúc đi đường lỡ bước cầu Nại Hà kẻ trước người sau mỗi người một nghiệp khác nhau hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ? hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi
hoặc là trong quãng đồng không hoặc nơi gò đống, hoặc vùng lau tre sống đã chịu một bề thảm thiết ruột héo khô dạ rét căm căm dãi dầu trong mấy mươi năm
máu tươi lai láng xương khô rụng rời đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc, quỷ không đầu đứng khóc đêm mưa cho hay thành bại là cơ mà Cô Hồn biết bao giờ cho tan?
hoặc là nương ngọn suối chân mây hoặc là điếm cỏ bóng cây hoặc là quán nọ cầu này bơ vơ hoặc là nương Thần từ, Phật tự hoặc là nhờ đầu chợ cuối sông
thở than dưới đất ăn nằm trên sương nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn tắt mặt trời lẩn thẩn tìm ra lôi thôi bồng trẻ dắt già có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe Kinh
—nguyễn du
—những di tích—
rừng sát cần giờ
Gửi những người còn đang sống,
Nếu lá thư này được về với đồng đội chúng tôi trong Trung đoàn BG quân giải phóng miền Nam hay một đơn vị bạn nào đó qua đây, xin chuyển lên giùm cấp trên.
Tiểu đội Giải phóng quân chúng tôi trong Trung đội “Ký Con” đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa Xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn.
Còn như chúng tôi được phát hiện muộn hơn sau 5 năm-10 năm tự do quý giá, thì xin cho chúng tôi gởi đến những người đang sống, sống đúng với ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa. Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ công bằng.
Hay trong trường hợp đến 50-100 năm sau, thư này mới tới những người, có thể gọi là thế hệ mai sau, thi cho phép chúng tôi gửi lời chào xã hội chủ nghĩa, cho phép chúng tôi bày tỏ vui mừng tuyệt diệu vì hạnh phúc và hoà bình đang tràng ngập hành tinh chúng ta mà chúng tôi trở thành những hạt bụi có ích—và hơn thế nữa nếu được, cho chúng tôi gửi lời chào niềm nở nhất đến những con người ở những vì sao xa xôi, những người bạn mới giữa các hành tinh.
*Hãy học tập giỏi, làm việc tốt, và sống những ngày thật ý nghĩa em nhé, vì có như vậy những đau đớn của anh mới được hoá thành không, mới được trở thành những niềm vui sướng, cả cuộc đời hy sinh của anh sẽ không hoá thành bọt biển vô nghĩa. Em là thế hệ sau của anh, được sống trọn vẹn yên ổn ở thời bình, không có sự xuất hiện của bom đạn ồ ạt, không chứng kiến những cảnh chết chóc tức tưởi, không nghe thấy tiếng khóc thương ai oán, không bị mất mát, không có chia lìa, thì nếu thương anh hãy sống luôn phần của anh, phần mà cả đời khi anh còn sống, nó chính là niềm mơ mỗi khi anh ngủ, là sự ước ao mỗi khi anh thức dậy.
Kính thư.
________________________
-4 đoạn văn đầu là trích từ thư của 3 chiến sĩ giải phóng quân trước khi hi sinh đã để lại cho hậu thế. Họ là Lê Hoàng Vũ, Nguyễn Chí, Trần Viết Dũng, chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội "Ký Con", Trung đoàn Bình Giã, quân giải phóng miền Nam.
*đây là một đoạn tản văn sáng tạo của một thành viên khi tưởng tượng các chiến sĩ sẽ nói gì trực tiếp đến cô.
đây Côn Sơn hòn đảo kiên cường
mấy chục năm rồi nhuộm máu xương
kìa hỡi vong linh bạn tù
về đây đón tết, tết quê hương
nghĩa trang hàng dương, côn đảo
chuồng cọp, côn đảo
Kính thưa liệt vị hương linh, những người đã nằm xuống tại mảnh đất Côn Đảo.
Sự ra đi của quý vị không chỉ là nỗi đau của đất nước, mà còn là nỗi mất mát không bao giờ bù đắp được của hàng triệu gia đình trên khắp Việt Nam. Chúng con biết rằng quý vị đã chết trong sự oan uổng và tức tưởi. Chúng con cũng biết rằng mỗi một người trong quý vị đều mang một câu chuyện khác nhau. Quý vị đã đến Côn Đảo qua những con đường khác nhau, và chúng con biết rằng sách sử và bản thân chúng con có thể sẽ không bao giờ diễn tả được đầy đủ những ẩn khuất mà quý vị mang theo trong thời đại và hoàn cảnh của quý vị.
Quý vị có thể là những nhà yêu nước mang theo một lý tưởng vững vàng về con đường cách mạng, quý vị cũng có thể đơn giản chỉ là những người dân thường không hiểu rõ Cộng sản là gì nhưng luôn kiên định với tâm nguyện thống nhất đất nước, và quý vị cũng có thể là những người mà sự hi sinh chúng con hiện tại vẫn chưa biết đến.
Chúng con biết rằng sự tham lam và áp bức của chế độ thực dân và các nước đế quốc đã gây ra cái chết oan uổng cho quý vị. Chúng con biết rằng quý vị đã bị đẩy vào một cuộc chiến vô nghĩa với chính những người anh chị em đồng bào và cả ruột thịt trong gia đình mình. Đáng lẽ cuộc chiến này đã có thể không xảy ra và đất nước Việt Nam đã có cơ hội xây dựng lại…
Chúng con xin tự nhận rằng, chúng con cũng chỉ là những người trẻ đang học sử, và hiểu biết của chúng con về con đường và câu chuyện của quý vị vẫn chưa được trọn vẹn. Những hiểu biết của chúng con về lịch sử và về quý vị có thể mang theo những thiên kiến nhất định từ chính hoàn cảnh gia đình-xã hội, nhưng chúng con xin hứa sẽ mở rộng tâm mình để đón nhận những cảm xúc và suy nghĩ trỗi dậy trong chúng con ngay lúc này.
Chúng con xin hứa rằng chúng con, những người trẻ Việt Nam, sẽ cố gắng hết mình để tiếp tục xây dựng cho một tương lai tươi đẹp mà quý vị đã từng hoài bão và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Chúng con xin nguyện kính dâng tất cả những công đức của sự thực tập này để hồi hướng cho hương linh tất cả chư vị tại Côn Đảo nơi đây và tất cả hương linh đã ngã xuống trên khắp Việt Nam vì cuộc chiến này, cầu cho quý vị được an nghỉ nơi cõi lành.
Chúng con xin nguyện hồi hướng công đức này, cầu cho đất nước Việt Nam được hoà bình và người dân Việt Nam được sống trong ấm no hạnh phúc.
Kính thư. 10/7/2022. Côn Đảo
đò lên Thạch Hãn ơi…chèo nhẹ đáy sông còn đó bạn tôi nằm có tuổi hai mươi thành sóng nước vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.
—lê bá dương
sông thạch hãn, quảng trị
Kính thưa các quý vị đã nằm xuống tại Quãng Trị, Thừa Thiên Huế, nơi đây ở sông Thạch Hãn, và ở trên tất cả những chiến trường từ mùa xuân đến cuối năm 1972, thường gọi là “mùa hè đỏ lửa.”
Quý vị có thể là những chàng trai tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu, tràn đầy sức sống, tuổi 18, tuổi đôi mươi, còn bao nhiêu ước mơ và hoài bão. Quý vị là những nữ du kích, hay cô gái chèo đò, chăn trâu, và nấu cơm vắt bí mật cho bộ đội.
Quý vị có thể không nghĩ mình là người Nam hay Bắc, chỉ là người từ những xóm, xã, làng, và thôn trong giang sơn kêu là Việt Nam từ thời nhà Nguyễn. Từ Mỹ, hệ thống phân biệt chủng tộc khoa học, scientific racism, của phương Tây, có thể gọi quý vị theo màu da: người da trắng, da đen, hay da mầu.
Quý vị đã đi lính có thể vì quý vị không có sự lựa chọn. Quý vị đã có thể tham gia chiến tranh với ước mơ thống nhất đất nước, giải phóng miền Nam từ kiền xích của Mỹ; một số quý vị có thể có ước vọng cho độc lập dân tộc bằng cách chống lại chủ nghĩa đế quốc và đế quốc Mỹ; lại có những quý vị có thể đấu tranh cho độc lập của miền Nam bằng cách chống lại chủ nghĩa cộng sản. và cũng có một số quý vị chỉ muốn có đời sống trong hoà bình cùng gia đình, mỗi ngày chỉ cần ba bữa đầy chén cơm.
Những quý vị người Mỹ có thể là không biết tại sao quý vị đã đến đây, để tham gia một chiến tranh mà chính phủ quý vị gọi là vì “nhân quyền” trên danh nghĩa, trong khi ở nước Mỹ, thật sự ra mà nói, người da đen vẫn chưa có tự do, tất cả mọi hiệp ước với người bản xứ đều bị vi phạm.
Quý vị, và kể cả chúng con, là nạn nhân của khát vọng bá chủ của Mỹ, nạn nhân của những chính sách chính trị và quân sự của Mỹ tại Đông Dương, với Việt Nam là trọng tâm.
Chúng con tới đây là để lòng mình chậm lại và nghẹn ngào chứng kiến nỗi đau thương tang tóc của một chiến lược đầy khói lửa giữa người việt đối với người việt, do cuộc can thiệp tàn bạo của Mỹ và đặc biệt do chính sách "Việt Nam hóa" cuộc chiến tranh của chính quyền Mỹ, chính sách đã tạo ra yếu tố nội chiến và đẩy một số người Việt chống lại nhân dân của mình.
Chúng con hối hận là chiến tranh này đã gây ra vạn sự mất mát, khổ đau, và hận thù ở cả hai phía trong nhiều gia đình Việt Nam. Hôm nay, chúng con vẫn còn cảm nhận được sự hiện diện những vết thương rất sâu chưa lành trong cộng đồng, cho nên sự hàn gắn không dễ dàng, có thể cần rất nhiều thời gian, nỗ lực, và thiện chí. Và, cũng có những gia đình sẽ không bao giờ biết nhau, hay hoà hợp, đoàn kết với nhau. Thậm chí một số người Việt bây giờ vẫn giữ một thái độ thù địch và ác ý đối với chế độ chính phủ hiện nay.
Chúng con hối hận là quý vị đã phải gác lại những ước mơ để tham gia chiến tranh ác liệt và bị cướp mất cơ hội để thực hiện những hoài bão cá nhân của mình.
Nguyên Phó chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình đã nói,
“Để xây dựng và phát triển một nước Việt Nam phồn vinh và vững mạnh, một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Trước mắt là tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đó là mục tiêu mà với mọi người Việt Nam yêu nước ai cũng thấy day dứt. chiến đấu mới của nhân dân ta là để phát triển đất nước, cần sự đóng góp tích cực của mọi người Việt Nam, trong nước và ngoài nước, không phân biệt quan điểm, chính kiến.”
Còn nữa, vài người trong nhóm chúng con bây giờ đang sinh sống ở nước ngoài. Và hôm nay, chủ nghĩa đế quốc vẫn còn tồn tại. Xung đột giai cấp vẫn còn tồn tại. Cuộc chiến mới của chúng con là tiếp tục chống lại những hệ thống áp bức gây ra bất công bằng xã hội.
Dù là chúng con ở mỗi nơi khác nhau và có một cuộc chiến khác nhau, những cuộc chiến chống lại những hệ thống đàn áp đều có sự liên kết. Như ông Eldridge Cleaver, nhà lãnh đạo ban đầu của Đảng Black Panther ở Mỹ, đã nói năm 1970:
“The Black man’s interest lies in seeing a free and independent Vietnam, a strong Vietnam which is not the puppet of international white supremacy. If the nations of Asia, Latin America, and Africa are strong and free, the Black man in America will be safe and secure and free to live in dignity and self-respect.”
Tạm dịch là:
“Mối quan tâm của người da đen nằm ở việc nhìn thấy một nước Việt Nam tự do và độc lập, một nước Việt Nam hùng mạnh, không phải là con rối của quyền lực tối cao của người da trắng quốc tế. Nếu các quốc gia ở Châu Á, Châu Mỹ Latinh và Châu Phi trở thành hùng mạnh và tự do, thì người da đen ở Châu Mỹ sẽ được an toàn, đảm bảo tự do, và đạt được cuộc sống phẩm giá và tự trọng.”
Sau chiến tranh, công việt lớn nhất là xây dựng lại quê hương. Bác Hồ đã nói:
Độc lập, tự do mà người dân chưa được ấm no, hạnh phúc thì độc lập, tự do chưa có ý nghĩa.
Chúng con hiến bái lời cầu nguyện này cho cái tương lai ấm no và hạnh phúc đó.
Kính thư. 12/7/2022. Quảng Trị
Kính thưa hương linh 400 chư vị ông bà cô bác đã chết ở Khe Đá Mài, nay đang nằm nghĩ tại mộ chôn tập thể này, cũng như chư vị đã ngã xuống trên khắp thành phố Huế, bất kể là Phật tử, hay Công Giáo, bất kể ngoại quốc, dân thường, Cộng Hoà, Mặt Trận, hay Cộng Sản đã chết oan, hoặc đã hy sinh, đã tìm thấy xác hoặc chưa tìm thấy xác trong những mồ chôn tập thể.
Kính thưa 6000 các vị thường dân, quân nhân, công chức VNCH hoặc đã chết oan uổng trong những điều kiện hết sức đau thương như bị đập sọ, bị bắn, bị chôn sống vì chính sách thà giết lầm còn hơn bỏ sót, hoặc đã chết vì những oan thù riêng lẽ, hoặc bị bom mỹ đánh chết tan xác trong lúc trốn chạy nạn. Trong những hố chôn tập thể kia, quí vị cũng có thể là một trong 10,000 lính Mặt Trận và Miền Bắc đã hy sinh cho chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 dưới bom đạn Mỹ, cho hiệp đinh Paris 1973 được có cơ hội. Nhưng trớ trêu thây, cơ hội hoà bình và thống nhất cho đất nước, cho những người trẻ như chúng con đã cướp đi cơ hội sống của quí vị.
Chúng con xin sám hối vì những sự thơ ơ của chúng con về lịch sữ Việt Nam, để tới giờ mới có cơ hội thắp một nén nhan cho quí vị. Có thể việc làm này không có một kết quả cụ thể nào cả để giải toả những oan ức của quí vị, nhưng chúng con mong rằng đây là khởi đầu của một sự kết nối một cuộc đối thoại giữa thế hệ chúng con và quí vị, một sữ gắn nối của những đứt gãy lịch sữ mà những người việt trẻ ở hải ngoại và trong nước đã và đang gánh chịu vì những thế lực đã cướp đi mạng sống của nhiều người trong quí vị — chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc.
Chúng con nhận biết rằng mình sẽ không bao giờ hiểu được những gì đã xảy ra và thấu được những khổ đau mà các vị đã gánh chịu. Nhưng chúng con nhận thức rằng khi chết đi rồi thì cộng sản, ngoại ban, cộng hoà hay dân thường đều là con người xứng đáng được ghi nhớ như là những con người đã từng sống, đã từng có mặt, đã từng thở, đã từng yêu thương, và đã từng ước mơ trong thời gian khốc liệt nhất của lịch sử đất nước. Chúng con khóc thương cho số phận của những người nghèo, người nông dân, thường dân, và kể cả những người sĩ quan, người lính vì hoàn cảnh ép buộc mà phải cầm súng, phải tự vệ, phải bạo lực. Trong chiến tranh luôn có những sai lầm không đáng có. Nhưng quí vị đều đã là con ai đó, là cháu ai đó, là bờ vai của ai đó, và đơn giản là một ai đó. Tất cả đều chỉ là nạn nhân của những hệ thống bạo động mà thôi.
Chúng con xin hướng lòng mình cầu nguyện cho quí vị có thể bình an nơi chính suối, và nếu có oan ức gì thì cũng sớm ngày được giải bày.
Nguyện tiếp tục mở lòng học hỏi, trau dồi sự hiểu biết của mình về lịch sử và chính trị. Nguyện là những chiến binh sẽ nắm lấy sứ mệnh đất nước khi thời thế gọi tên. Nguyện được quí vị theo dõi, dẫn đường và dìu dắc.
Kính thư, 13/7/2022. Huế
xác người nằm trôi sông phơi trên ruộng đồng
trên nóc nhà thành phố trên những đường quanh co
xác người nằm bơ vơ dưới mái hiên chùa
trong giáo đường thành phố trên thềm nhà hoang vu
mùa xuân ơi xác nuôi thơm cho đất ruộng cày
Việt Nam ơi xác thêm hơi cho đất ngày mai
đường đi tới dù chông gai
thì quanh đây đã có người
—trịnh công sơn
nghĩa trang ba tầng, huế
giấc mơ nhỏ bé vô cùng, một căn nhà nhỏ hai vồng khoai lang. thế thôi mà lạy mười phương, hai mươi năm lẻ chưa tròn giấc mơ
—trụ vũ
kính thưa cô chú, ông bà, liệt vị hương linh, đã nằm xuống tại làng Mỹ Lai, Quảng Ngãi.
sáng 16/3/1968, giữa mùa thu hoạch khoai lang ở thôn Mỹ Lai, Quảng Ngãi, trực thăng Mỹ đã đổ bộ và thảm sát hơn 504 người dân.
“không có Việt Cộng thì họ bắn làm gì?” - cụ bà Hà Thị Quý đã nghĩ hồn nhiên như vậy vào thời điểm đó, 50 năm trước. Nhưng lính Mỹ đã không như cụ bà Quý nghĩ, và chắc hẳn cũng không như cô chú, ông bà cũng đã nghĩ.
Họ đã chỉa súng vào bà, giết cả gia đình bà Quý bao gồm mẹ bà, đứa con gái 17 tuổi và đứa cháu. Bà Quý là một trong số rất ít người sống sót nhờ bị vùi lấp dưới xác người. Đế quốc Mỹ đã tàn sát gia đình bà; cũng như là đã tàn sát cô, chú, ông bà và gia đình của mọi người.
Cho đến nhiều tháng sau đó, những gì diễn ra tại Mỹ Lai cũng vẫn chỉ được điều tra qua loa, với kết luận rằng “hơn 20 thường dân đã vô tình bị giết.”
4 tiếng thôi nhưng 500 sinh mệnh đã nằm xuống. Cái chết của cô chú, ông bà không chỉ tang thương, oan khốc, mà còn bị cưỡng bức bội phản lại các giá trị truyền thống tín ngưỡng của dân tộc. Chồng mất vợ, đấng sinh thành mất con, ông bà mất cháu. Đấng sinh thành bị buộc phải đội tang cho đứa con mình rứt ruột đẻ ra. Ông bà bị buộc phải đội tang con cháu mình. Nói đây là một nỗi đau e rằng đã quá nhẹ lời.
Lời của bà Quý ngày hôm đó như tiếng nói oan khuất chắc hẳn của cả những cô chú, ông bà
“Họ bắn làm gì?”
Chủ nghĩa đế quốc đã dối trá hết lần này tới lần khác để đạt được mục đích bá quyền, với cái giá phải trả là sinh mệnh của dân đen vô tội.
Chính sách của Đế Quốc Mỹ không chỉ để tiêu diệt kẻ thù trong chiến trận mà còn là sự tận diệt và bức tử những dân đen không vũ trang, vô tội.
Đó còn là sự bức tử các giá trị tín ngưỡng linh thiêng gây ra bởi bom đạn đế quốc, bởi sự cuồng nộ của những cá nhân tay sai hưởng lợi và dung dưỡng cho hệ thống phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa dân tộc da trắng.
Bọn đế quốc ngạo mạn trên nỗi oan khuất khi cô chú, ông bà bị cưỡng bức, và giết hại. Đối với chủ nghĩa đế quốc, tánh mạng của người thuộc địa da vàng hay da đen cũng không đáng một xu. Chúng không chỉ nhẫn tâm gây tội ác với người già, đàn bà mà còn không tha đối với ngay cả với những đứa trẻ nhỏ, dù là thai nhi còn nằm trong bụng mẹ.
Sự ám ảnh về một tội ác chiến tranh, sự cám cảnh, oán hận, uất ức vẫn còn được cảm nhận trong từng bước chân chúng con đi ngày hôm nay. Tuy thế, chúng con, thế hệ của chúng con, sẽ không bao giờ hiểu được sự mất mát, đau thương, tang khóc, oan khuất của cô chú, ông bà. Chúng con còn nhiều đặc quyền và ngu muội, nhưng chúng con xin dùng niệm lực, gửi đến đất, đến cây cỏ tại nơi này, phát tâm tưởng nhớ đến cô chú, ông bà, nguyện an lạc trở lại cho đời sống cô chú, ông bà. Nguyện một suối vàng mát mẻ, và bình yên đến mọi người.
Kính thư, 14/7/2022. Quảng Ngãi
làng sơn mỹ, quảng ngãi
nghĩa trang bình an, bình dương
ta về như lá rơi về cội
bếp lửa nhân quần ấm tối nay
chút rượu hồng đây xin rưới xuống
giải oan cho cuộc biển dâu này
ta khóc tạ ơn đời máu chảy
ruột mềm như đá dưới chân ta
mười năm chớp bể mưa nguồn đó
người thức nghe buồn tận cõi xa
—tô thuỳ yên
Kính thưa những người đã yên nghĩ ở nghĩa trang Biên Hòa, bây giờ đã đổi tên thành Bình An,
Khi tới đây, con thấy được những người dưới những nấm mồ có tên hoặc vô danh kia không đâu xa lạ mà có thể là đồng đội, là bạn bè, là anh em của bố con — những người đã cùng ông trải qua sinh tử. Con đến đây như là để trở về lại một thế giới đã mất đi, một miền ký ức âm ỉ nhiều vết thương và nhiều câu chuyện muốn được kể, muốn được ôm ấp, và chấp nhận.
Quí vị có thể là những người lính đã chiến đấu vì niềm tin vào chủ nghĩa dân chủ, vào chính quyền VNCH, vào một đất nước Việt Nam tươi đẹp theo cách hiểu của quí vị. Quí vị cũng có thể đơn giản chỉ là những người trai trẻ bị đẩy vào guồng máy bạo động vì hoàn cảnh của thời đại, vì phải mưu sinh, phải sinh tồn.
Con đi xung quanh nghĩa trang và một nổi buồn thoảng qua—cho quí vị đang nằm dưới kia, và cả cho những người thân của quí vị vì không được thường xuyên đến để chăm sóc một phần của người thân. Biết rằng trong chiến tranh đề có kẻ thắng, người thua. Biết rằng con đường phi-thực-dân-hoá (decolonization) đến độc lập và thống nhất là phải xảy ra. Nhưng trong quá trình đó đã có quá nhiều hy sinh, hiểu lầm, oan ức đã xảy ra khi người Việt bị đẩy vào phe đối lập, mà đến khi hoà bình rồi mà di sản của những sự chia rẽ kia vẫn còn tồn tại.
Chiến tranh đã kết thúc, nhưng tại sao nhà nhà vẫn phải xa lìa nhau? vẫn phải cách biệt âm dương, vùng miền, phe phái? Chiến tranh đã kết thúc, nhưng dường như nó vẫn tiếp tục sống trong nổi đau chia ly người thân, xa lìa quê hương của những người Việt lưu vong và những thế hệ tiếp nối như con.
Công tác hoà giải dân tộc và chữa lành những vết thương lịch sử sẽ còn kéo dài. Nhưng trước mắt, dù gì thì con đã đến được nơi này. Trong giây phút này, chỉ vậy là đủ rồi. Con đã đến gần hơn với bố mình rồi. Thắp nhan cho quí vị, con đã đến gần với một phần của mình rồi.
Kính Thư
bà rịa - vũng tàu
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi sao trở lại quê nhà
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã buồn hơn bóng tối
khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)
—du tử lê
Kính thưa ông bà, cô chú, anh chị em, liệt vị hương linh, đã chết chìm dưới trùng dương,
Từ năm 1975-1995, khoảng 1 triệu thuyền nhân rời khỏi Việt Nam. 200,000-400,000 thuyền dân đã chết trong hành trình vượt biên. Chết vì thuyền bị sập trong cơn bão, chết vì đói, khác, bệnh, hoặc chết dưới tay của những kẻ cướp biển. Những câu chuyện của con người phụ nữ và trẻ em bị hãm hiếp, nhảy xuống biển từ tự, vẫn in đậm trong tâm trí của những người sinh tồn.
“Đi thì chết, ở lại thì cũng chết.”
Nhiều thuyền nhân kể lại rằng họ bước vào hành trình này vì nếu ở lại, sẽ bị nghèo đói, bị giam tù, và tuỳ theo hoàn cảnh gia đình, cấp bậc, hoặc sự tham gia, các cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa sẽ bị gây khó.
Trong bối cảnh chiến tranh đã kết thúc, các ông bà, cô chú, và anh chị em đã cảm thấy không còn tương lai ở quê hương nữa.
“Sống cái nhà, thác cái mộ.”
Cả đại dương là mộ cho ông bà, cô chú, và anh chị em. Những linh hồn vẫn còn trôi lang thang trên nước, chưa có chỗ nào để nghỉ bình an. Thậm chí đến bây giờ, vẫn chưa có nơi nào để tưởng niệm và thờ cúng thuyền nhân ở quê hương Việt Nam.*
Một số chúng con là con cháu thuyền nhân còn sống. Chúng con đã thừa hưởng sự chia rẽ và sự tổn thương của thế hệ đi trước, và bị mất sự kết nối giữa chúng con với quê hương đất nước.
Chúng con tự nhận rằng không thể hiểu hết những sự đau khổ trong hành trình vượt biên của Ông Bà, Cô Chú. Nhưng trong chuyến hành hương này, chúng con học tập, thực tập, và tưởng niệm để kết nối lại với nước Việt Nam.
Cho dù chúng con đến đây từ khắp nơi, chúng con vẫn là người Việt Nam và chính quê hương là ở nước Việt Nam.
Chúng con hiến bái lời cầu nguyện này để các ông bà cô chú trở về bình an.
Kính thư, 19/7/2022. Vũng Tàu
________________________
*Trong những điểm Thỉnh cầu và Đề nghị của phái đoàn Đạo Tràng Mai Thôn đến Chủ tịch nước CHXHCNVN trong năm 2007, thầy Nhất Hạnh đã “xin chính phủ ra lệnh lập một đài tưởng niệm thuyền nhân thiệt mạng trên biển cả tại Vũng Tàu.”

chùa từ-hiếu, huế
thuyền đã ra đi, đại dương một sáng mai hồng tôi ở lại một mình bao nhiêu người đã lo sợ ra đây cùng nguyện cầu cho trời yên bể lặng gió ơi, hãy mang lời cầu nguyện đi xa và xui giục cho trùng dương nổi sóng.
hỡi đau thương, hãy lại đây cùng ta nhìn: người lái thuyền sáng hôm nay đang ngắm trời mây và thản nhiên cười trước sóng. đã không nguyện cho trời yên bể lặng nhưng nguyện cho chân cứng đá mềm
hỡi đau thương, hãy lại gần đây thêm nữa với ta, hãy thôi đi chuỗi cười kiêu hãnh có người, ta là tất cả, không có người, ta chỉ là ta. hãy nguyện cầu cho bóng tối thêm sâu hỡi ngàn sao lấp lánh!
—thích nhất hạnh
Chúng con hối hận là chiến tranh này đã gây ra vạn sự mất mát, khổ đau, và hận thù ở cả hai phía trong nhiều gia đình Việt Nam. Hôm nay, chúng con vẫn còn cảm nhận được sự hiện diện những vết thương rất sâu chưa lành trong cộng đồng.
Từ sâu thẳm trái tim hướng về cội nguồn dân tộc, chúng con xin nhờ gió, cây và mây trời gửi lời nguyện cầu thành khẩn, cầu mong cho thân xác của quý vị yên nghỉ thanh thản trong lòng đất mẹ, cho hương linh của quý vị an bình nơi chín suối. Cầu mong quý vị nếu có ước nguyện gì chưa thực hiện được, xin hãy truyền đạt lại tới thế hệ tương lai như chúng con, để chúng con được tiếp bước của quý vị, để cuộc sống chúng con không trôi đi oan uổng. Mong quý vị sẽ có mặt bên cạnh chúng con, dẫn đường, cho chúng con sức mạnh tinh thần.
Đối với nhiều người, đặc biệt là những người thuộc thế hệ chúng con, lịch sử chỉ bắt đầu từ giây phút đất nước đã hoàn toàn độc lập, đang dần chuyển mình lột xác, hoà cùng dòng chảy kinh tế đổi mới và xu hướng hoà bình. Tất cả nhìn về quá khứ như một thời dĩ vãng, như một ký ức cần được xoa dịu, gửi gắm mong mỏi và đầu tư hoài bão cho tương lai tươi sáng. Thiết nghĩ, các thế hệ cha ông và tổ tiên, những con người dù đã ngã xuống hay sống sót qua chiến thời loạn lạc, hẳn cảm thấy bị lạc lõng, hụt hẫng, lãng quên, khi cảm thấy ý nghĩa lịch sử đang dần nhạt nhoà trong tâm khảm con cháu. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, dòng chảy lịch sử vẫn sẽ luôn tiếp tục, những huyền thoại vẫn còn đó, khi chỉ cần ai đó vẫn luôn có mặt, ghi nhớ và tiếp tục kể về, dù chỉ còn lại một người duy nhất. Và chúng con nguyện là những người nắm giữ sứ mạng ấy, để những câu chuyện tiếp tục được lưu truyền, để tinh thần tiếp nhận lịch sử ở tâm thế an yên, vững chãi, công bằng, sáng suốt được lan toả.
Tuy nhiều người trong chúng con chưa tỏ tường về con đường và lý tưởng sống của mình, nhưng chúng con nguyện sẽ đi về hướng hoà giải, tình thương và hiểu biết của riêng mỗi người chúng con. Chúng con nguyện sống sao cho xứng đáng với hai chữ hoà bình thiêng liêng — một hoà bình đã được nôi nấng bởi xương và máu, bởi cả những hy sinh và cái chết oan uổng, một hoà bình chưa thật sự trọn vẹn, nhưng là một hoà bình có thật.
Quan trọng hơn, chúng con xin hứa sẽ thay đổi những thờ ơ, thiếu hiểu biết ban đầu của mình về lịch sử dân tộc. Đất nước mình được xây dựng nên từ máu xương của quý vị. Con xin khắc ghi nghĩa vụ phải học hỏi thêm, thấu hiểu và bảo tồn lịch sử đất nước, làm nền tảng để nuôi dưỡng những hoà giải, xoa dịu những rạn nứt giữa đồng bào mình do chiến tranh gây ra.
thắp nén hương thơm gửi lời thành khẩn
xin bình yên vỗ nhẹ những hy sinh
xin khắc ghi máu, xương và nước mắt
đỗ vào lòng, muôn nẻo yêu thương.
—bảo trân
về dự án:
Dự án kết nối Việt Nam là một cuộc hành hương gồm 12 người Việt đến từ trong và ngoài nước, với những ngành nghề và công việc khác nhau cùng đi 10 ngày với mục đích phục hồi, tưởng niệm và thiền quán về những câu chuyện lịch sử của chiến tranh Việt Nam. “Kết nối Việt Nam” không chỉ đơn thuần là một chuyến đi hành hương đến những địa điểm tâm linh, mà còn là một chuyến hành trình giúp chúng ta kết nối với những địa điểm của sự khổ đau - đó là nơi chiến trường nghiệt ngã, các tấm mồ tập thể ai oán và những bãi tha ma hay nghĩa trang mà hàng triệu người Việt Nam đã ngã xuống mãi mãi. Chúng tôi tin rằng trách nhiệm của những người trẻ chúng ta là hiểu được tổ tiên chúng ta là ai, về cả đức hạnh hay những tội lỗi của họ, những niềm đau hay ước mơ khát vọng của họ, thì chúng ta mới thực sự biết được mình là ai.
Dòng chảy lịch sử mà được chúng tôi lựa chọn sẽ bắt đầu với bối cảnh của lịch sử thực dân của Việt Nam tại Côn Đảo, tiếp nối theo đó là sự thất bại của Hiệp định Geneva mà những hệ lụy của nó đã đưa Việt Nam bước vào cuộc chiến tranh tàn khốc với người Mỹ. Sau đó, chúng tôi sẽ đi đến những địa điểm tiêu biểu của những khổ đau mà người Việt phải trải qua trong chiến tranh, trong đó bao gồm sự ra đời và đổ vỡ của MTGPMN, những hậu quả tàn khốc từ Chiến dịch Trị Thiên và Trận thành cổ Quảng Trị, những sự hi sinh cao cả của các Phật tử Việt Nam và những công lao của họ trong công cuộc kêu gọi hòa giải-hòa bình mà ít trong chúng ta được biết tới, những sự cố gắng vì hòa giải dân tộc đến từ một số bộ phận thành viên của MTGPMN, sự kiện Tết Mậu Thân 1968, sự kiện Thuyền Nhân mà ít người biết tới hơn, cho đến những sự kiện nổi tiếng như Thảm sát Mỹ Lai.
Từ đây, chúng tôi không chỉ hi vọng có thể tưởng nhớ đến những mạng sống đã phải hi sinh oan uổng mà còn là mong muốn có thể bày tỏ lòng tôn kính đến với những người đã hi sinh chiến đấu vì một Việt Nam mà họ đã đặt niềm tin, dù bằng cách chọn một bên chính trị nào hay là đứng vững ở vị trí trung lập. Chúng tôi cũng sẽ tham quan cả Nghĩa trang Hồ Chí Minh - nơi hàng ngàn chiến sĩ MTGPMN đã nằm xuống vĩnh viễn và Nghĩa trang Biên Hoà/Bình An - nơi mà hàng ngàn chiến sĩ VNCH đã ngã xuống. Chúng tôi sẽ vinh danh những chiến sĩ hòa bình - những con người đã quyết định chọn không đi theo một phe chính trị nào, và chỉ một lòng hướng đến chiến đấu vì một Việt Nam không còn chiến tranh, tại chùa Từ Hiếu. Cuối cùng, chuyến hành trình sẽ kết thúc tại chùa Vĩnh Nghiêm, cũng là một trong những nơi hiếm hoi mà chúng ta có thể tìm thấy được những cố gắng vì một Việt Nam được chữa lành và hòa giải của thầy Nhất Hạnh, kể từ sau năm 1975.
Trang web này là kết tinh trải nghiệm và cái thấy của những người hành hương qua hình ảnh*, lời cầu nguyện, thơ, văn xuôi đã được cùng tạo ra ở những di tích lịch sử trong chuyến đi. Qua trải nghiệm của chúng tôi, hy vọng bạn sẽ cảm giác kết nối hơn với lịch sử/ký ức đất nước, và được truyền cảm hứng để tìm hiểu về câu chuyện của ông bà, cha mẹ ta sâu hơn qua những góc nhìn đa chiều.
Hãy kết nối với chúng tôi qua email/ig để có thêm thông tin về những chuyến đi tiếp theo!
*photo credit by duy minh, duy liêm and bảo khang